Các ngân hàng trung ương đã có thái độ tích cực hơn đối với vàng trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều nhà đầu tư, cả nhỏ lẻ và tổ chức, đang dõi theo hoạt động mua vàng trong lĩnh vực chính thức và kết luận rằng mình cũng nên đa dạng hóa các khoản tiết kiệm và đầu tư bằng vàng vật chất. Mới tuần trước, Ngân hàng Trung ương Mexico (Banco de Mexico) tiết lộ đã mua 93.3 tấn vàng trong tháng 2 và tháng 3 vừa qua. Con số này tương đương khoảng 3.5% tổng sản lượng vàng trên toàn thế giới và trị giá hơn 4 tỷ USD nếu tính theo mức giá phổ biến gần đây. Sau khi bán ròng khoảng 400-500 tấn vàng/năm trong một thập kỷ qua, lĩnh vực chính thức (bao gồm các ngân hàng trung ương, Quỹ Tiền tệ Quốc tế – IMF và các quỹ đầu tư quốc gia) đã trở thành người mua ròng vàng trong năm 2009. Năm ngoái, hoạt động mua ròng vàng của lĩnh vực này tiếp tục diễn ra khi một số ngân hàng trung ương, chủ yếu là tại châu Á, tăng lượng vàng cho nguồn dự trữ chính thức trong khi lượng vàng bán ra của các ngân hàng trung ương châu Âu là rất nhỏ. Được biết, trong thời điểm hiện nay, các ngân hàng trung ương tại châu Âu gần như ngừng hẳn việc bán vàng, trừ một số khoản cắt giảm nhỏ cho các chương trình đúc tiền xu vàng trong nước. Trong 2 năm qua, lượng vàng mua ròng của lĩnh vực chính thức có thể đạt tới 100-200 tấn/năm, trong đó đã tính cả chương trình bán 403 tấn vàng của IMF kết thúc cách đây vài tháng. Số liệu chính thức về giao dịch vàng của các ngân hàng trung ương còn có thể cao hơn nữa vì có một số quốc gia lén lút mua vào vàng, và phần lớn khoản đầu tư vàng của các quỹ đầu tư quốc gia cũng không được công bố. Vì thế, không thể có số liệu chính xác về lượng vàng mua hoặc bán ròng của lĩnh vực chính thức. Chẳng hạn như chỉ cách đây 2 năm, vào tháng 04/2009, Trung Quốc công bố ngân hàng trung ương nước này đã mua 454 tấn vàng trong 6 năm trước đó. Một số nhà quan sát cho rằng Trung Quốc tiếp tục mua vàng đều đặn với số lượng rất lớn, nhiều khả năng là 100 tấn/năm từ các mỏ vàng trong nước. Ả Rập Xê-út cũng mua một lượng vàng rất lớn, khoảng 180 tấn/năm, cho nguồn dự trữ chính thức trong vài năm trở lại đây nhưng mãi đến tháng 6/2010 mới công bố. Rất có thể, Ủy ban Tiền tệ Ả Rập Xê-út cũng tiếp tục mua vàng cùng với các nhà sản xuất dầu giàu có tại nước này. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) và một số ngân hàng trung ương khác có quyền bí mật mua vàng vì việc công bố có thể ảnh hưởng đến giá kim loại quý và nâng cao chi phí mua vào của các ngân hàng trung ương này. Một điều đáng chú ý là danh sách các quốc gia mua vàng kể từ đầu năm 2009 tiếp tục gia tăng. Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Ả Rập Xê-út và Mexico là những nước mua nhiều vàng nhất. Bên cạnh đó còn một số quốc gia khác như Kazakhstan, Sri Lanka, Mauritius, Venezuela, Bolivia, Philippines, Thái Lan và thậm chí Bangladesh. Trong khi đó, vào một số ngày gần đây, các quan chức cấp cao của Đức cho biết Bồ Đào Nha phải bán một phần vàng đang nắm giữ để giải quyết tình hình nợ công. Nếu điều này xảy ra, một số ngân hàng trung ương khác có thể chờ đón để mua vào, đặc biệt là Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Hoạt động bán vàng trong các năm gần đây của IMF cho thấy việc bán vàng với quy mô lớn của lĩnh vực chính thức không khiến thị trường bị gián đoạn và các ngân hàng trung ương thiếu hụt vàng là những người mua tiềm năng khi có cơ hội mua vàng ngoài thị trường.Vì sao các ngân hàng trung ương tiếp tục mua vàng?
Vì sao các ngân hàng trung ương tiếp tục mua vàng? |
Phạm Thị Phước - Theo Vietstock