(ThiTruongTaiChinh) – Các chuyên gia vẫn miệt mài nghiên cứu, phân tích để đưa ra những dự báo về giá vàng, nhưng có lẽ sẽ có ít người dám tuyên bố đâu là đỉnh đâu là đáy của giá vàng. Đơn giản bởi vì giá vàng đã biến động vượt quá mọi dự đoán của cộng động đầu tư. Khởi đầu, từ chế độ Bretton Woods, vàng chỉ có giá 35 USD/oz, thế mà mới hơn nửa thế kỉ, giá vàng đã leo lên đến mức kỉ lục 1577 USD/oz, gấp 4405% !!! Nếu điểm lại những cột mốc của giá vàng, có lẽ chúng ta vẫn nghĩ, vàng tăng cao mấy rồi cũng giảm, hay vàng giảm đến một mức nào đó rồi cũng tăng thôi. Lý thuyết này nghe có vẻ phù hợp với chiến thuật giao dịch theo “cản trên cản dưới” của nhiều nhà phân tích. Nhưng, hình như vàng phá cản trên giỏi hơn là phá cản dưới thì phải. Nếu như cách đây 1 năm, mọi động thái mua bán của SPDR Gold Trust đều khiến giới đầu tư thấp thỏm chờ đợi vì tác động rõ rệt và ngay lập tức tới vàng, thì ngày hôm nay điều đó đã giảm đi khá nhiều . Có những hôm, SPDR bán vàng nhưng vàng vẫn tăng, mà lại tăng mạnh. Và cũng có những hôm, SPDR mua nhiều vàng, nhưng giá vàng lại ì ạch không có động thái gì đáng kể. Cũng chung số phận, chỉ số chứng khoán của Mỹ vốn được coi là ngược chiều với vàng từ trước tới nay, khi kinh tế Mỹ tốt, chứng khoán tăng , vàng lập tức giảm, và ngược lại. Nhưng ngày nay, có khi chứng khoán Mỹ và vàng cùng dắt tay nhau đi lên hay đi xuống! Một yếu tố nữa, đó là đồng EUR. Chắc hẳn các trader vàng không xa lạ gì với lời khuyên này :” EUR biến động theo vàng”. Các trader mới tham gia thị trường thường được khuyên nên nhìn vàng nếu như định giao dịch cặp tiền tệ EURUSD. Nhưng giờ đây hai chỉ số này đã trở nên xa lạ với nhau. Vàng vẫn tiến mạnh lên những đỉnh cao kỉ lục mới, trong khi EUR xập xình theo nguy cơ khủng hoảng nợ treo lơ lửng nơi khối thị trường chung Eurozone. Lý do tại sao vàng lại trở nên khó dự báo như vậy? Trước nhất, có thể nói tại vì sự đặc biệt của vàng. Vừa là hàng hóa, vừa là tiền tệ, vừa là công cụ phòng chống rủi ro, vàng đảm nhận nhiều vai trò quan trọng, nên nó cũng chịu tác động từ nhiều phía hơn hẳn tất cả các hàng hóa, tiền tệ, và chỉ số khác. Thứ hai, theo như ý trên, các yếu tố tác động lên vàng không ít, và hiện nay chúng lại càng phong phú đa dạng hơn. Chúng ta thấy có sự xuất hiện của bạc, dầu, EUR, USD, và bây giờ là nhân dân tệ, tình hình Trung Quốc, và cả diễn biến tâm lý của những người nắm giữ vàng trên khắp thế giới nữa. Chúng ta khó lòng đoán được, vàng đang diễn biến theo yếu tố nào, liệu những phiên sau có còn diễn biến theo hướng đó không hay lại chịu tác động từ một yếu tố mới nữa? Bin Laden chết, vàng giảm. Nhật Bản động đất, vàng tăng. Dubai vỡ nợ, vàng giảm. Lybia bạo động, vàng tăng. Ấn Độ tìm ra mỏ vàng mới, vàng giảm. Soros tuyên bố bán vàng, vàng giảm. Các điểm nóng trên khắp thế giới, và đôi khi có nhiều tin tức nóng trong cùng một khoảng thời gian, thật khó để biết vàng sẽ diễn biến theo hướng của thông tin nào, cũng như không biết liệu có còn thông tin nào chưa được công bố hay không. Thế giới đã không còn là đơn cực, vị trí độc tôn của Mỹ đang lung lay, Trung Quốc đã ghi được dấu ấn của mình lên bản đồ kinh tế thế giới. Giờ đây, việc Trung Quốc mua bán gì, nâng lãi suất ra sao, cấm xuất khẩu gì, nhập khẩu gì… cũng làm cho thế giới phải ngoái nhìn. Thế nên, vàng cũng đứng ở trung tâm của một loạt các sợi dây ở khắp mọi hướng, không biết sẽ bị kéo về hướng nào. Nhiệm vụ của các nhà phân tích giờ đã khó khăn hơn, không đơn thuần là dự báo cản trên là bao nhiêu cản dưới là bao nhiêu nữa, mà phải biết các điểm nóng nào trên thế giới đang tác động đến vàng, vàng sẽ đi như thế nào, tăng hay giảm, tăng mạnh hay giảm mạnh. Nhưng tình hình trước mắt hiện nay, có vẻ như vàng vẫn còn thích chinh phục thêm nhiều đỉnh cao nữa.Ngày càng khó dự báo giá vàng
Ngày càng khó dự báo giá vàng |
Thanh Ngọc